Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Hà Nội: Phố Quan Thánh

Phố Quan Thánh bắt đầu từ cuối phố Hàng Đậu đến đầu phố Thụy Khê. Phố chạy qua rất nhiều thôn làng cũ thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận của kinh thành Thăng Long xưa. Sở dĩ phố mang tên gọi là phố Quán Thánh bởi trên phố có đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên đại đế, tức thần Trấn Bắc của kinh thành Thăng Long.

Đền Quán Thánh hay còn gọi là đền Quan Thánh nằm tọa lạc trên hai mặt phố . Một trông ra hồ Tây phía đường Cổ Ngư nay gọi là đường Thanh Niên. Còn mặt bên chạy dài theo phố Quán Thánh . Đền Quán Thánh là một trong bốn ngôi đền thờ thần trấn yểm cho kinh thành Thăng Long , gọi là Thăng Long tứ trấn. Ba ngôi đền khác là đền Trấn đông Bạch Mã, đền trấn Tây Thủ Lệ, đền Trấn Nam Kim Liên.

Đền Trấn Bắc Quán Thánh thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thần thiêng liêng của Đạo Giáo có xuất xứ từ phương Bắc.   Bởi thế đền còn được gọi là quán. Trong đền có pho tượng thần bằng đồng đen. Tượng cao gần 4 thứơc, nặng khoảng 4 tấn. Đây là một tác phẩm đúc đồng nghệ thuật xuất xắc của người do những người thợ nghề đúc đồng Ngũ Xã bên hồ Trúc Bạch tạọ tác vào thời Lê Trịnh. Tương truyền, pho tượng đặt ở mé bên phải tính từ bên ngoài đền đi vào chính là pho tượng người thợ cả của hiệp thợ đúc Ngũ Xã , tác giả của bức tượng đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ . dân gian tôn vinh gọi là ông trùm Trọng. Tương truyền là khi ông trùm mất, các học trò thợ đúc lớp sau đã dựng tượng ông tại đền Quán Thánh như một sự tôn vinh đến muôn đời.

 Hiện nay, đền Quán Thánh được coi là một trong những điểm tham quan du lịch sáng giá của thủ đô Hà Nội. Mỗi ngày đền thường đón hàng trăm thậm chí hàng ngàn lượt khách du lịch nước ngoài tới tham quan vãn cảnh và tìm hiểu về văn hóa lịch sử Hà Nội.

Phố Quán Thánh dài 1364 m.. So trên tấm bản đồ Hà Nội cổ thì phố Quán Thánh vốn là một con  đường đất chạy men phía bắc dòng sông Tô Lịch. Mà lòng sông chính là đoạn hào tự nhiên men theo mặt bắc thành Thăng Long Hà Nội, nay chính là phố Phan Đình Phùng nằm song song với phố Quán Thánh hiện thời . Sang những năm cuối thế kỷ 19, khi thành Hà Nội bị giặc Pháp dỡ bỏ , lòng sông Tô Lịch mới bị lấp đi thành đường thành phố. Cảnh quan và  diện mạo phố Quán Thánh cũng khá đặc biệt. Phố Quán Thánh khởi đầu từ vườn hoa Hàng Đậu và kết thúc ở hai vườn hoa đối diện nhau là vườn hoa Tây Hồ và vườn hoa Lý Tự Trọng. Không gian rất tươi đẹp và có thể nói là khá thóang đạt so với các dãy phố khác trong nội thành Hà Nội với rất nhiều cây cối cổ thụ và hoa lá đổi thay suốt bốn mùa.

Phố Quán Thánh là một dãy phố được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, trong quy hoạch thủ đô mới của chính quyền thành phố Hà Nội thời ấy. Trên phố nay hãy còn dấu tích của một số ngôi biệt thự cổ và các ngôi nhà được xây dựng theo dạng kiến trúc nhà hàng phố thịnh hành ở Hà Nội những năm giữa thế kỷ 20.

Tuy đã trải qua gần thế kỷ tồn tại , song những ngôi nhà đó vẫn giữ được nét đẹp riêng có với hệ thống mái ngói tây, các chi tiết xây dựng trang trí dùng nhiều gỗ quý. Theo các kiến trúc sư chuyên nghiên cứu về kiến trúc đô thị Hà Nội thì những ngôi nhà dạng  nhà hàng phố như thế thường có chủ nhân ban đầu là các gia đình  gốc Hà Nội với nếp sống đặc trưng của thị dân Hà Nội.

Phố Quán Thánh cũng là nơi còn lưu giữ hàng chục ngôi nhà được xây theo phong cách nhà biệt thự kiểu Pháp  được xây dựng cũng trong những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.  Đặc điểm của các ngôi biệt thự này là không có bất cứ ngôi nào giống ngôi nào . Chúng đều mang vẻ đẹp rất duyên dáng mỹ lệ và kiến trúc rất phù hượp với môi trường, khí hậu và cảnh quan Hà Nội.  Các ngôi biệt thự này có chủ nhân ban đầu là các viên chức người Pháp trong bộ máy chính quyền cũ ở Hà Nội. Sau thời gian tiếp quản thủ đô. Phần lớn các ngôi nhà  dạng biệt thự này được chuyển thành các công sở , thành trụ sở các cơ quan nhà nước hay bộ ngành. Một phần các ngôi biệt thự đó được giao cho một số hộ gia đình thuê lại . Trong đó có thể có cả chính chủ nhân cũ của ngôi biệt thự. Trong những năm cuối thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu kiến trúc Nhật bản đã tới Hà Nội và tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ của hàng ngàn ngôi biệt thự như thế trên phố Hà Nội và đánh giá đó chính là một nguồn tài sản quý giá của thành phố chúng ta. Bởi thế, chúng rất cần được  xử dụng đúng mục đích và có sự bảo quản tốt nhất.

Đi trên phố Quan Thánh vào những ngày này , trong không khí đông vui rộn rã của người xe qua lại,  có lẽ nhiều người sẽ thầm ao ước rằng cho dù dãy phố có trở nên hiện đại đến thế nào, vẫn giữ lại được chút phong vị phố cũ Hà Nội với những hàng hoa sữa đêm về tỏa hương thơm ngát.

Hoàng Lan
Thăng Long - Hà Nội