Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Ninh Thuận: Đình Tri Thủy

1.Tên di tích: Đình Tri Thuỷ
2. Loại công trình: kiến trúc
3. Loại di tích: văn hóa cấp quốc gia
4. Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 1253/QĐ-BVHTTDL ngày 14 tháng 04 năm 2011, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
5. Địa chỉ di tích: Thôn Tri Thủy, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
6. Tóm lược thông tin về di tích:


Bên Đình Tri Thủy là chùa Kim Sơn trước Đầm Nại -ảnh Hà Tiên
             
Nguồn gốc hình thành: Đình Tri Thủy thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, được xây trên khu đất nằm ngay đầu làng Tri Thủy có diện tích 3231,82m2 (trong đó các nơi thờ tự chiếm 762,59m2, sân Đình và và đất trống chiếm 2469,23m2). Mặt trước của Đình hướng ra Đầm Nại, bên phải là chùa Kim Sơn, bên trái là trục đường chính liên xã, phía sau Đình là Núi Đình và khu dân cư. Có thể thấy rằng vị trí của Đình nằm trong cảnh quan tổng thể sơn thủy; theo quan niệm xưa đây là thế đất tụ thủy, tụ linh, tụ phúc và tụ dân.
Tên Đình Tri Thủy lấy theo tên làng Tri Thủy (trước đây có tên làng Bến Đò, thuộc tổng Mỹ Tường, đạo Ninh Thuận nay thuộc thôn Tri Thủy, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), được hình thành cách đây 200 năm do những người cánh họ Dương (Bình Định) theo chân Chúa Nguyễn di cư vào Ninh Thuận. Đình được xây dựng để thờ thần Thành Hoàng, theo tín ngưỡng dân gian thì đây là vị Thần bảo trợ cho dân làng, vì không có thần phả để lại nên ngày nay rất khó xác định được lai lịch của Thần. Ngoài Thành Hoàng là đối tượng thờ chính, ở Đình còn còn thờ thêm các vị tiền bối có công khai khẩn, lập làng, dựng Đình và Bà Thủy Long. Tại Đình còn lưu giữ những sắc phong của các vua Nguyễn ban cho Thành Hoàng như:

 - Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (năm 1852), vua Tự Đức ban cho Thần mỹ tự “Quảng Hậu Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng”. Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (năm 1880), Vua gia ân cho Thần thêm một trật.
- Ngày mồng 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (năm 1886), Vua tăng thêm cho Thần tước “Dực Bảo Trung Hưng”. Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (năm 1910) được Vua gia ân tăng thêm một trật.
- Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (năm 1924) Vua Khải Định tặng thêm tước: Tĩnh Hậu Trung Đẳng Thần”.
Đặc điểm di tích: Đình Tri Thủy là một tổng thể kiến trúc công trình xây dựng bao gồm từ ngoài vào là cổng Tam Quan, bức Bình phong, sân Đình, tòa Chánh Điện. Hai bên là tòa Chánh điện là nhà Đông, nhà Tây. Phía sau Chánh điện là 01 khoảng sân nhỏ nối Chánh điện với nhà Tiền Hiền; phía Đông nhà Tiền Hiền là nhà Trù (nhà bếp), phía Tây nhà Tiền Hiền là nhà để xe đầu rồng (phục vụ cho người chết trong thôn). Kết cấu kiến trúc và nghệ thuật của một số bộ phận chính:

- Cổng Tam Quan: kiến trúc theo phong cách cổ, dáng tứ trụ; trên các cột đắp nổi câu đối có nội dung ca ngợi vùng đất hiển linh, phù hộ cho dân làng sống giàu sang, hạnh phúc. Đỉnh của bốn cột đỡ hai tầng mái lợp ngói Tây, bốn góc mái hơi cong lên, đỉnh mái gắn biểu tượng “Lưỡng long chầu nhật”.
 - Bình phong: được xây dựng trước sân Đình đối diện với tòa chánh điện. Theo quan niệm của dân gian, bình phong có tác dụng ngăn ngừa luồng khí độc thổi vào thôn. Bình phong được làm theo dạng tứ trụ, trên đỉnh hai cột hai bên gắn hai búp sen nhỏ; hai cột chính giữa gắn hai búp sen lớn; chính giữa bình phong đắp theo dạng cuốn thư trên gắn một quả bầu; mặt trước bình phong đắp nổi hình con nghê; mặt sau bình phong đắp nổi hình rồng đang bay lượn từ trên xuống dưới rất sinh động.
                                       
Cổng Tam Quan Đình Tri Thủy
Cổng Tam Quan Đình Tri Thủy - ảnh Hà Tiên
                                                                                         
- Chánh điện: là công trình kiến trúc chính nên có quy mô và uy nghi hơn so với các kiến trúc còn lại được chia làm hai phần: Tiền đàng và Hậu tẩm. Tiền đàng là ngôi nhà dành cho việc hành lễ nên còn gọi là nhà Tiền bái. Tiền đàng là một ngôi nhà tứ trụ, tường xây bằng đá, chất kết dính vữa vôi, mái lợp ngói Tây. Toàn bộ nhà có bốn hàng cột, chu vi cột cái là 1,1m; kết cấu vì kèo xuyên trính. Phía nóc nhà Tiền đàng gắn các dải hoa dây, chia làm hai phần: ở hai đầu là dạng hoa dây hình học có điểm dải vân mây, chính giữa là hai con rồng cách điệu dạng dây lá cuộn đang chầu mặt trời lửa. Tiền đàng nối với Hậu tẩm bởi nhà ghè và 01 lớp cửa bức bàn. Hậu tẩm là ngôi nhà dạng tứ trụ dùng để thờ thần; toàn bộ ngôi nhà có 04 cột cái, chu vi mỗi cột là 1,05m; các mái tỏa đều ra xung quanh tạo thành ngôi nhà gần vuông; tường nhà xây bằng đá với chất kết dính là vửa vôi, mái nhà lớp ngói Tây, kết cấu vì kèo xuyên trính. Nóc nhà Hậu tẩm được trang trí “Lưỡng long tranh châu”; rồng có dáng vẻ mạnh mẻ, thân rồng uốn ba khúc, vẩy rồng là các mảnh sứ màu xanh, sống lưng dựng thẳng, miệng há rộng; trên mình rồng được điểm các vân mây, tạo cảm giác rồng ở thế động đang bay lượng. Các bộ vì kèo của nhà Tiền đàng, Hậu tẩm được tạo dáng, chạm khắc rất tỉ mỉ. Các cặp kèo đâm chạy chỉ nổi chính giữa và tạo dáng hình cánh dơi; đầu kèo khuyết chạm nổi hình rồng, cây trính uống vồng lên hình vỏ đậu, cây trỏng hình bắp chuối. Cách tạo dáng mang ý nghĩa âm dương hòa hợp.
 Đình Tri Thủy - ảnh Hà Tiên
Tòa Chánh điện là nơi thờ Thành Hoàng nên nội thất được treo các câu đối và nhiều đồ thờ tự khác. Chính giữa là án thờ thần, trên án và xung quành án thờ được bài trí các đồ tự khí và các vật trang trí rất tinh xảo nhưng không kém phần uy nghiêm; các hiện vật được lưu giữ tại Đình. Trong năm tại Đình Tri Thủy tổ chức một số lễ nghi thức long trọng như Tết Nguyên đán, Tiết Thanh Minh, Rằm tháng 7 âm lịch....

Đình Tri Thủy là một công trình kiến trúc gỗ truyền thống, những gì còn lại ở đình là những di sản văn hóa có giá trị góp phần làm phong phú thêm nền kiến trúc Việt Nam. Kiểu kiến trúc nhà tứ trụ, vì kéo xuyên trính là đặc trưng tiêu biêu kiến trúc khu vực Nam Trung bộ. Từ đó cho thấy rằng kiến trúc truyền thống Việt Nam không bị gói gọn trong khuôn khổ nhất định, đã có sự chuyển biến, có tính sáng tạo. Bên cạnh đó trong đình còn có những đề tài trang trí khá phong phú, hầu hết các mô-típ cổ điển đều được sử dụng như “Cá vượt vũ môn”, tứ linh...là cầu mong sự thành đạt. Kỹ thuật chạm khắc được sử dụng trong các đề tài trang trí thể hiện sự tài hoa, khéo léo của cha ông. Vì thế Đình Tri Thủy là công trình kiến trúc nghệ thuật sinh động, tồn tại mãi với thời gian, với dân Tri Thủy nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung; vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, vừa thể hiện sắc thái văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Thực hiện: Hà Tiên
Nguồn: Phòng VHTT