Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Hà Nội: Đền Thờ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Nguyễn Trực ở Quốc Oai

Đền nằm trong địa phận thôn Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu, trong một không gian rộng, riêng khuôn viên đền thì chỉ trên 500m2  nhưn xung quanh là đình, chùa và trước mặt là hồ nước rộng khiến cho du khách cảm thấy sự thoáng đãng của một không gian đẹp.

Đền Thờ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Nguyễn Trực

Đây là một công trình kiến trúc đặc biệt vì có đến hai ngôi nhà nằm song song nhưg hai phía hai dĩ ở đầu hồi lại được xây nối với nhau tạo thành tổng thể “nội công ngoại quốc” (xây bao kín, tạo thành hình vuông). Mỗi nhà gồm 3 gian 2 dĩ, kiến trúc giống nhau. Mỗi gian rộng 2,3m; lòng nhà sâu 5,7m; tàu trước mặt nhà cao 2,1m; nóc cao 3,7m; xà bẩy chỉ cao 1,9m. Hậu cung nằm ở gian giữa, có sàn gỗ cao 0,9m, trong hậu cung có ngai và ban thờ cụ Trạng. Gian bên trái sau năm 1954 có làm thêm ban thờ Tiến sĩ Đỗ Hiệu (1474-?, quê Đĩnh Tú, đỗ tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất, 1502, khi 28 tuổi), chuyển từ quán xóm chùa vào. Mái nhà có bốn góc uốn hình mui đao cong lợp, lợp ngói ri. Dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng hầu hết các chi tiết gỗ của công trình vẫn còn nguyên vẹn. Trước đây, đền có 12 đạo sắc phong của các triều đình phong kiến nhưng trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), khi thực hiện tiêu thổ kháng chiến thì tất cả các đồ thờ tự và sắc phong đều bị chuyển đi và thất lạc. Năm 1993, đền được tu bổ lớn.

Đây còn là một công trình kiến trúc quý hiếm vì nó liên quan đến Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1473), tự Công Dĩnh, hiệu Vu Liêu, quê gốc ở thôn Bối Khê, xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) , sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Bang (nay là thôn Văn Khê, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội).

Đền thờ đã được UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định số 172/QĐ-UB năm 2002 công nhận là di tích Lịch sử -Văn hóa